Khai thác khoáng sản bền vững: Dùng công nghệ làm đòn bẩy

21/10/2019 - 11:46 AM - 253 lượt xem

Theo các chuyên gia nghiên cứu về khoáng sản, hệ lụy trong khai thác khoáng sản diễn ra tại Việt Nam thời gian qua là do công nghệ khai thác lạc hậu, cơ sở chế biến khoáng sản manh mún… Để chấm dứt hạn chế trên, ngay từ bây giờ, Việt Nam phải hình thành được các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại khoáng sản.
 

* Khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến sâu

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng về chủng loại. Trong những năm vừa qua, ngành công nghiệp khai khoáng đã đóng vai trò quan trọng và tích cực trong sự nghiệp phát triển công nghiệp Việt Nam và trong nền kinh tế đất nước. Số liệu điều tra cho thấy, Việt Nam đã thăm dò và phát hiện mới trên 5.000 điểm khoáng và mỏ, đánh giá được một số loại khoáng sản có trữ lượng tài nguyên dự báo lớn như dầu khí với trữ lượng 1,2-1,7 tỷ m3, 240 tỷ tấn than, 600 triệu tấn khoáng vật nặng titan, và các loại khoáng sản khác như boxit, apatit, đất hiếm, các khoáng sản làm vật liệu xây dựng...

Những năm qua doanh nghiệp khai khoáng trong nước gặp khó khăn về vốn đầu tư nên tiến độ đầu tư các dự án chế biến sâu vẫn còn rất chậm, thậm chí không đạt tiến độ đề ra, đặc biệt là đối với quặng titan, chì, đất hiếm. Thực tế này đã ảnh hưởng và có tính quyết định đến tính bền vững của ngành khai khoáng hiện nay.

Tại Diễn đàn Hợp tác Khoáng sản bền vững Việt Nam-Australia 2015 do Bộ TN&MT phối hợp với Đại sứ quán Australia và Hiệp hội các Doanh nghiệp Dịch vụ Công nghệ Thiết bị Mỏ Australia tổ chức ngày 19/3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Vụ trưởng Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) khẳng định: Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia phải được quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý. Với ý nghĩa như vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu việc khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến sâu, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế thông qua các công nghệ chế biến hiện đại. Mặc dù vậy, cho đến nay ở Việt Nam, ngoại trừ một số loại khoáng sản như dầu khí, than đá, đồng đã có công nghệ khai thác, chế biến ở trình độ tương đối hiện đại, phần lớn các khoáng sản khác công nghệ chế biến vẫn còn lạc hậu và thiếu hụt sự liên kết hợp tác của các doanh nghiệp trong nước.

Trước thực tế nêu trên, Phó Vụ trưởng Công nghiệp nặng Nguyễn Ngọc Thành cho rằng, để khoáng sản có thể trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, sử dụng và khai thác bền vững lâu dài, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các dự án khai thác, chế biến sâu khoáng sản theo hướng tập trung với quy mô lớn.

“Đối với các mỏ khoáng sản, chúng ta cũng cần thực hiện nghiêm túc việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn các hành vi khai thác trái phép theo đúng quy định của Luật Khoáng sản 2010” -  ông Thành nhấn mạnh.
 

* Hợp tác quốc tế tìm hướng đi mới cho ngành khai khoáng

Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam ông Nguyễn Văn Thuấn cho rằng: Tại "Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt, trong đó nêu rõ: thăm dò, khai thác khoáng sản gắn với chế biến và sử dụng hiệu quả; phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Để thực hiện Chiến lược nêu trên, Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp thu khoa học hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; khuyến khích hợp tác điều tra, thăm dò, khai thác.

Theo quan điểm của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Thuấn, hợp tác khoáng sản bền vững với Australia hiện đang là một trong những nội dung hợp tác được ưu tiên và chú trọng. Diễn đàn về công nghệ kỹ thuật mỏ bền vững Việt Nam và Australia năm 2015 là hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hóa những cơ hội hợp tác quốc tế để tiếp thu khoa học hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; khuyến khích hợp tác điều tra, thăm dò, khai thác. Đồng thời, tạo cầu nối cho cơ quan quản lý và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản của hai nước Việt Nam - Australia cùng giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề khai thác khoáng sản theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản và cũng là dịp để các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận với các công nghệ, thiết bị khai thác khoáng sản tiên tiến và các dịch vụ tư vấn khoáng sản của Australia.

 
Online: 13Tổng truy cập: 136.491
© 2019. Bản quyền thuộc về vnge.vn
Hotline: 0989 318 803
Top