Ngày 01 tháng 01 năm 2021, tại Công ty Môi Trường Đô Thị Xuân Mai đã diễn ra lễ ký kết Thoả thuận Hợp tác Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện Xuân Mai – Hà Nội. Tham dự lễ ký có Ông Nguyễn Ngọc Oanh Giám đốc Công ty Môi Trường đô thị Xuân Mai, Ông Vũ Xuân Dũng Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng Lượng Tái Tạo Sóc Sơn, Ông Đinh Trí Quang đại diện Công ty EB Environmental Energy (VietNam) Holdings Limited
Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch xử lý CTR thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của thủ tướng chính phủ, Thành phố Hà Nội được quy hoạch có 3 phân vùng xử lý CTR. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 nơi xử lý rác thải tập trung gây khó khăn cho công tác phân luồng thu gom, vận chuyển gặp nhiều bất cập, chồng chéo, cự ly vận chuyển đến các khu xử lý lớn gây lãng phí, tốn kém, là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ thu gom trong thành phố không đạt yêu cầu, tồn đọng nhiều rác tại các khu dân cư, tập kết rác bất hợp pháp, không đạt tiêu chuẩn gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân tại khu vực đó nói riêng và toàn thành phố nói chung.
Để giải quyết những khó khăn đó, Liên doanh Nhà đầu tư đề xuất đầu tư xây dựng dự án Nhà máy xử lý chất sinh hoạt phát điện 2.000 tấn/ngày tại khu vực Núi Thoong, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
- Tổng mức đầu tư dự kiến: 3.990.000.000.000 tỷ đồng
- Địa điểm: xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội
- Công nghệ áp dụng: Đốt rác thải sinh hoạt không phân loại, tái sử dụng nhiệt phát điện;
- Xuất xứ công nghệ: Nguồn gốc Châu Âu (Đức) được công ty Everbright Environment Energy Group limited hợp tác kỹ thuật với công ty Martin (Đức) phát triển phù hợp với điều kiện CTRSH Châu Á (đã đạt chứng chỉ CE năm 2016)
Đây là địa điểm phù hợp với vùng II trong quy hoạch, giúp cải thiện tình trạng rác tại khu vực phía Tây Nam và Nam Hà Nội. Dự án đi vào hoạt động sẽ giúp hệ thống thu gom xử lý rác của thành phố hoạt động hiệu quả, tiết kiệm tối đa chi phí vận chuyển, tạo điều kiện thu gom rác hiện nay của thành phố. Khối lượng rác sau khi được thu gom sẽ được phân luồng vận chuyển về 3 khu xử lý Nam Sơn, Sóc Sơn (vùng I), Núi Thoong, Chương Mỹ (vùng II) và Xuân Sơn, Sơn Tây (vùng III). Việc xây dựng nhà máy công nghệ cao với công suất đủ lớn sẽ giải quyết nhu cầu cấp bách của thành phố là vô cùng cần thiết và phù hợp.